Thời gian gần đây, câu chuyện biến tấu Tiếng Việt với phong cách chơi chữ “nửa Tây nửa Ta” của các thương hiệu đang tạo nên một cuộc tranh luận khá thú vị giữa những người làm truyền thông.
Xuất phát từ một bài đăng trên Facebook của một marketer nói về chủ đề thương hiệu “Chơi chữ”. Theo quan điểm của tác giả: Không nên lấy lý do về việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” để công kích các thương hiệu khi họ “chơi chữ”. Bởi theo người này “chơi chữ” cũng là một cách thức làm phong phú Tiếng Việt, dễ dàng tiếp cận với thị trường quốc tế. Từ đây một làn sóng tranh luận bắt đầu nổ ra với hai luồng ý kiến trái chiều. Một nửa đồng thuận rằng chơi chữ là một hướng content khá sáng tạo, vui vẻ và không cần chú trọng quá nhiều. Nhưng cũng có rất nhiều marketer cho rằng việc chơi chữ quá đà của các thương hiệu đang làm biến tướng các ngôn ngữ, tạo nên nhiều content rác và lâu dài là ảnh hưởng tới văn hóa ngôn từ.
Trào lưu biến tấu Tiếng Việt cùng các ngôn ngữ quốc tế
Thực tế, trào lưu chơi chữ Anh – Việt vốn đã chẳng còn xa lạ với các thương hiệu Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, các ngôn ngữ quốc tế như Tiếng Anh đã dần trở nên rất phổ biến đối với thế hệ trẻ như Gen Z, Gen Y. Từ quá trình sử dụng giao thoa giữa nhiều ngôn ngữ, giới trẻ đã tạo nên một trào lưu khá thú vị đó là kết hợp chúng với tiếng Việt để tạo nên những cụm từ mới lạ. Người trẻ bắt đầu biến tấu và truyền tai nhau về những cụm từ độc đáo mới như: Giả nice, tự teen, tree kỷ,… như những câu đùa vui vẻ. Cho tới những sản phẩm giải trí cũng được biến tấu với phong cách chơi chữ trẻ trung như: See Tình,….
Dần dần, các thương hiệu cũng nhanh chóng bắt trend chơi chữ, sáng tạo nên những nội dung nhằm tiếp cận và gia nhập văn hóa của người trẻ. Thậm chí sáng tạo thành tagline của những chiến dịch lớn như như Shay Nắnggg của Skin Aqua hay “Ngon VĨBE” của The Pizza Company Vietnam,… Có thể thấy các nội dung chơi chữ như vậy có một ưu điểm là khá thu hút đối với thế hệ trẻ. Mặt chữ độc đáo, khác lạ khiến người xem trở nên thích thú, tò mò, nhưng cũng khá dễ hiểu bởi tính chất đồng âm giữa các từ ngữ, ví dụ như “Say” với “Shayy”.
Tuy nhiên, ngược lại với những lợi thế đó thì nhiều marketer cho rằng việc chơi chữ quá đà có thể làm biến tướng ngôn ngữ chữ Quốc ngữ của người Việt Nam và ảnh hưởng tới văn hóa sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ sau này. Trên thực tế, cũng đã có nhiều thương hiệu lạm dụng việc chơi chữ và nhận về phản ứng tiêu cực. Do bất chấp biến tấu từ ngữ trở thành những cụm từ rất khó hiểu không đồng âm, cũng chẳng đồng nghĩa. Hai hình ảnh dưới đây là một ví dụ điển hình:
Việc kết hợp nửa tây nửa ta trong các trường hợp này bị chỉ trích khá nhiều do từ gây khó hiểu, sai nghĩa và cũng không tạo nên cảm giác hài hước, vần điệu vốn có của việc chơi chữ. Có thể tạm hiểu theo một hướng khác rằng các thương hiệu này cố tình sử dụng những ngôn ngữ khó hiểu này để thu hút sự chú ý tò mò của người xem. Tuy nhiên, mặt trái của nó là tạo nên cảm giác khó chịu cho người xem, truyền tải sai thông điệp và không mang lại giá trị cho thương hiệu bởi chúng gần như vô nghĩa.
Vậy thương hiệu có nên tiếp tục biến tấu từ ngữ Anh – Việt để tiếp cận giới trẻ?
Nhìn chung, thì đây vẫn là một hướng sáng tạo nội dung khá thú vị cho các thương hiệu. Bởi chiến thuật này có khả năng tiếp cận giới trẻ tốt, phù hợp với những thương hiệu có tệp khách hàng mục tiêu là Gen Z. Đồng thời, sự độc đáo, khác lạ ở mặt chữ giúp thương hiệu có thể thu hút sự chú ý của khách hàng trẻ.
Điển hình như một chiến dịch khá độc đáo mới đây của The Pizza Company với cái tên “NGON VĨBE” đã được hưởng ứng khá tích cực. Bởi cách biến tấu từ ngữ đồng âm khá thú vị, khiến người xem dễ liên tưởng ngay đúng nghĩa tiếng Việt, không quá tục tĩu và cũng phù hợp với tệp khách hàng trẻ của thương hiệu này.
Mặt khác, việc kết hợp tiếng Anh – Việt chưa đủ để làm biến tướng ngôn ngữ như một số nhận định của các marketer hiện nay. Trong tiếng Việt đời thường ngày nay cũng có khá nhiều từ được biến tấu từ các từ ngữ quốc tế, điển hình như TV. Bởi bản chất chữ Quốc ngữ của nước ta chữ Latinh tượng thanh, là ngôn ngữ biểu âm, vì vậy việc kết hợp với những ngôn ngữ biểu âm khác như tiếng Anh là khá dễ dàng và cũng dễ hiểu với người xem. Vì vậy, chiến thuật chơi chữ này không quá trái ngược với văn hóa xã hội như một số ý kiến trên.
Vậy làm thế nào để biến tấu ngôn ngữ hài hước nhưng không phản cảm?
Thương có hoàn toàn có thể biến tấu từ ngữ, kết hợp Anh Việt khi sáng tạo nội dung marketing, chỉ cần đảm bảo không phản cảm, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tránh những từ ngữ tục tĩu trong cả tiếng Việt cũng như tiếng Anh.
Ngoài ra cũng cần lưu ý không quá cố gắng chơi chữ dẫn tới gượng ép vần điệu của từ ngữ. Hãy lựa chọn những từ ngữ thực sự có mức độ đồng âm cao, khiến người xem dễ dàng liên tưởng một cách dễ dàng. Ví dụ như trường hợp cụm từ “Mở Mind” bên trên cũng đã mắc lỗi sai này khi lựa chọn biến tấu từ ngữ không thực sự có cùng âm điệu, gây khó hình dung cho người xem.
Một yếu tố nữa cần xem xét đó là mặt nghĩa của từ ngữ, cần phải biến tấu dựa trên những từ vựng thực sự có nghĩa. Đặc biệt là cần đúng ngữ pháp khi sử dụng các từ nước ngoài. Điển hình như hai ví dụ dưới đây: Mặc dù cùng sử dụng cách biến tấu từ “Shopping” thành phiên âm tiếng Việt “Sốp ping” giống như ví dụ phía trên “Sốp-ping-er” phía trên. Nhưng cách làm của MB dễ dàng hình dung và dễ hiểu hơn bởi nó đúng về mặt nghĩa của từ.
Lời kết:
Nhìn chung, cách biến tấu ngôn ngữ này sẽ vẫn hiệu quả nếu như các thương hiệu sử dụng những câu từ chơi chữ thú vị, dễ hiểu và đảm bảo không vị phạm những tiêu chuẩn đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, loại nội dung không nên sử dụng nếu tệp khách của thương hiệu quá đa dạng, có nhiều khách hàng lớn tuổi, nó sẽ phù hợp hơn nếu thương hiệu tập trung vào nhóm khách hàng trẻ.