Tròn 1 năm kể từ khi Vinamilk – thương hiệu sữa được hàng triệu người Việt Nam tin dùng quyết định tái định vị thương hiệu bằng bộ nhận diện mới. Bất chấp làn sóng dư luận, Vinamilk đã dùng những kết quả ấn tượng sau khi sự thay đổi diễn ra để chứng minh quyết định của thương hiệu là hoàn toàn đúng đắn.
1. Tái định vị thương hiệu – Bước chuyển mình cần thiết của Vinamilk
Gần nửa thập kỷ hình thành và phát triển, Vinamilk đã chiếm giữ một vị trí quan trọng gần như bậc nhất trong ngành công nghiệp sữa, bất chấp sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu sữa ngoại vào thị trường Việt Nam. Dù đã có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt, Vinamilk vẫn luôn không ngừng chuyển dịch để bắt kịp với xu hướng thời đại và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tháng 7/ 2023 đánh dấu Vinamilk tiếp tục hành trình thay đổi để vươn xa hơn với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Theo đó, Vinamilk công bố hình ảnh logo được chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng biểu tượng chữ (wordmark) cùng dòng chữ dòng chữ “Est 1976” bên dưới. Đồng thời, công ty cũng thay đổi bao bì theo nhận diện mới.
Với màu sắc chủ đạo là “xanh rực rỡ” và “kem sữa ngọt ngào”, vừa lạ vừa quen, tạo điểm nhấn thị giác, hoà cùng bảng màu nhiệt đới, bộ nhận diện mới tái hiện lại sống động những nét sinh hoạt đời thường đậm chất Việt Nam. Vinamilk kỳ vọng với lần tái định vị này, thương hiệu sẽ tiến một bước gần hơn đến với thế hệ trẻ nhưng vẫn giữ chân được tệp khách hàng lâu năm, đồng thời mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới.
Tháng 8/2023, tất cả các sản phẩm sữa nước của Vinamilk đều được thay áo mới với tinh thần “Táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình”. Động thái ra mắt bộ nhận diện mới của Vinamilk khi đó đã mang đến không ít tranh luận và góc nhìn. Dù đồng tình hay phản đối, không thể phủ nhận, chiến dịch tái định vị khi đó đã tạo cú hích về truyền thông cho Vinamilk, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành đang cắt giảm chi phí quảng cáo để tối ưu lợi nhuận.
Lãnh đạo Vinamilk khi đó, cũng không giải thích hay tranh luận quá nhiều về sự thay đổi này mà chỉ khẳng định “nỗ lực tái định vị đánh dấu bước đầu tiên của doanh nghiệp để hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai”. Ngôn ngữ thiết kế trong bộ nhận diện mới của Vinamilk là sự cân bằng tinh tế các khía cạnh cốt lõi của thương hiệu: Giá trị truyền thống với bước tiến mới và di sản Việt với khát vọng vươn tới toàn cầu “go global”.
>>> Xem thêm: Tái định vị thương hiệu của Vinamilk không chỉ dừng lại ở “chuyện thay chiếc áo”
2. Những “quả ngọt” sau một năm thương hiệu “khoác áo mới”
Nhìn lại hành trình 1 năm kể từ khi tái định vị thương hiệu, Vinamilk đã mang về những con số “biết nói”. Theo lãnh đạo Vinamilk, khi bắt đầu tái định vị thương hiệu vào tháng 7/2023, công ty đã tập trung tái định vị ngành hàng sữa nước. Kết quả, thị phần sau 5 tháng tái định vị thương hiệu, ngành hàng này tăng 2,9% so với 7 tháng đầu năm 2023.
Số liệu thực tế từ báo cáo tài chính của Vinamilk cũng cho thấy, ngay trong quý III/2023 – Quý đầu tiên diễn ra sự thay đổi nhận diện thương hiệu, bất chấp sóng gió dư luận, doanh thu thuần của Vinamilk vẫn tăng trưởng lạc quan ở mức 2,9% và lợi nhuận sau thuế tăng 13,6%. Khép lại năm 2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 60.367 tỷ đồng và lãi sau thuế 9.019 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,9% và 5,1% so với năm 2022 – một thành tích đáng khích lệ sau quyết định đầy táo bạo của hãng.
>>> Xem thêm: Toàn cảnh bùng nổ truyền thông sự kiện Vinamilk ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới
Mở đầu năm 2024, dù thị trường sữa Việt Nam ảm đạm khi tăng trưởng âm 2,8% (theo hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen) song Vinamilk vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận. Nổi bật, sữa đặc, sữa chua uống/ăn tăng trưởng hai chữ số; doanh thu từ sữa hạt tăng trưởng 70%, bù đắp cho sự sụt giảm của mảng sữa công thức trẻ em. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu Vinamilk vẫn đang cho thấy những tín hiệu tích cực, khi doanh thu tăng trưởng dương ở cả mảng kinh doanh nội địa và xuất khẩu.
Tại thị trường quốc tế, chiến lược xuất khẩu đúng hướng đã mang về cho Vinamilk doanh thu xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với năm trước. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu ước tính tăng 20% so với cùng kỳ. Sau 25 năm xuất khẩu, Vinamilk đã khai phá thành công 60 thị trường, với tổng doanh thu đạt 3,2 tỷ USD.
Gặt hái được nhiều thành công trong mảng kinh doanh, Vinamilk cũng không quên sứ mệnh đi đầu về phát triển bền vững, thực hành ESG (Environmental – Môi trường, Social -Xã hội và Governance – Quản trị) tại Việt Nam. Chưa đầy một năm từ khi tiên phong công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050, Vinamilk đang có 3 đơn vị gồm 2 nhà máy và một trang trại đạt trung hòa Cacbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014.
Nhờ những thành tích đã đạt được, Vinamilk trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong Danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024 được Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố. Đây là 500 công ty lớn nhất, đại diện cho một khu vực năng động, đóng góp khoảng 4.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Cũng theo AC Nielsen, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, Vinamilk duy trì top 1 thị phần ngành sữa Việt Nam với 15 trang trại công nghệ cao, 140.000 đàn bò được quản lý khai thác cùng với 200.000 điểm bán trong hệ thống phân phối.
Lời kết:
Việc tái định vị thương hiệu là một nỗ lực để Vinamilk thực hiện lời hứa mang thương hiệu Việt vươn xa toàn cầu. Sau 47 năm đồng hành cùng người tiêu dùng Việt Nam, Vinamilk còn phát triển sản phẩm tại 60 thị trường xuất khẩu theo luỹ kế và trong năm 2024 đều đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng 4-5% so với năm 2023.