Tiếp nối chuỗi thông điệp dành cho người trẻ, chiến dịch mới “Vô tư đi” của thương hiệu xe điện Đài Loan Dibao gây ấn tượng khi bóc trần những điểm yếu của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Xe điện Dibao – Thương hiệu ngoại đang chịu áp lực không nhỏ từ Vinfast
Dibao là một thương hiệu xe điện đến từ Đài Loan, được thành lập từ năm 2006. Tới 2011, Dibao chính thức bước chân vào Việt Nam và là một trong những thương hiệu ngoại đầu tiên trên thị trường xe máy điện Việt Nam, với hơn 400 đại lý trên khắp cả nước. Trước đó, đối thủ của Dibao phần lớn là những thương hiệu ngoại khác như YADEA, PEGA,… có khá nhiều đặc điểm tương tự nhau.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường xe điện Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể với sự gia nhập của ông lớn Vinfast. Định vị thương hiệu Việt Nam và lợi thế từ tên tuổi của Vinfast, không khó để những chiếc xe điện của thương hiệu này tấn công thị trường một cách dễ dàng, gây áp lực rất lớn với những thương hiệu ngoại như Dibao.
Có lẽ vì thế mà trong những năm gần đây, chiến lược của DIBAO đã có nhiều điểm cải thiện hơn. Với tệp khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, thương hiệu bắt đầu tập trung khai thác sâu vào những khía cạnh văn hóa, phong cách sống tự do, phóng khoáng của giới trẻ thông qua những chiến dịch như: “Người đi bao” “Đi hết mình, bao lên trình” và “Đi Bao Xa”,…
Trong năm 2024, thương hiệu tiếp tục trở lại với một thông điệp đậm chất Gen Z “Vô tư đi”. Đây là một trong những Campaign khá thú vị của nửa đầu năm 2024 tại Việt Nam. Mặc dù sử dụng những công cụ khá quen thuộc, nhưng Dibao lại gây ấn tượng bởi cách triển khai độc đáo và thông đánh trúng insight khách hàng mục tiêu
Chiến dịch “Vô tư đi”: Cùng Dibao tạo động lực cho người trẻ
1. Insight khách hàng mục tiêu: Nỗi sợ của người trẻ
Tệp khách hàng chính của Dibao chủ yếu là người trẻ, thuộc thế hệ Gen Z như Học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đối tượng có phong cách sống khá phá cách, độc đáo, mới mẻ nhưng cũng là một thế hệ có nhiều áp lực về mặt tinh thần. Cũng vì thế, họ thường xuyên gặp phải rất nhiều rào cản về mặt tâm lý trong các quyết định của mình. Thói quen “muốn thế này nhưng lại sợ thế kia” có thể giúp người trẻ cẩn trọng hơn nhưng chính là nguyên nhân làm cho họ có tâm lý chần chừ, e ngại, từ đó vuột mất rất nhiều cơ hội, không phát huy được hết năng lực của bản thân.
2. Thông điệp & Key Message “Vô Tư Đi”
Từ insight đó, Dibao đã sử dụng một câu cửa miệng khá quen thuộc của người dân Việt Nam “Vô Tư Đi” với ý nghĩa khuyến khích giới trẻ hãy sống “vô tư”, không chần chừ, tự tin làm những điều mà mình mong muốn. Key Message này cũng tương tự như chuỗi thông điệp về việc phá bỏ giới hạn mà Dibao đã theo đuổi trong suốt nhiều chiến dịch gần đây từ “Người đi bao” hay “Đi Bao Xa”.
Ngoài ra, Key Message được liên kết trực tiếp tới thương hiệu qua thông điệp “Với Dibao, các bạn trẻ hãy cứ vô tư mà đi!”. Nhằm thể hiện những nỗi lo của khách hàng khi đi xe sẽ mau chóng được giải quyết với những chiếc xe từ Dibao.
3. Các hoạt động chính trong chiến dịch “Vô tư đi”
Thiết kế OOH độc đáo, có sự kết nối với kênh Digital
Những tấm biển quảng cáo ngoài trời của chiến dịch đã thành công thu hút sự chú ý của đông đảo giới trẻ với thiết kế độc đáo mới lạ, sử dụng nét chữ viết tay cùng những hình họa khá đơn giản. Thương hiệu cũng không chèn tên, logo hay hình ảnh sản phẩm, mà chỉ sử dụng hai cụm từ duy nhất “muốn… nhưng” kèm một câu CTA trỏ vào hình ảnh của một mã QR. Vì vậy khi nhìn vào OOH này có lẽ phần lớn khách hàng sẽ không hề đoán ra đây là một tấm biển quảng cáo.
Cũng chính sự đơn giản này thu hút sự chú ý của người dùng vào mã QR code khổng lồ trên OOH – Điểm chuyển đổi quan trọng nhất của công cụ này. Mã QR Code này sẽ dẫn người xem tới một trang landing page, nơi mà họ có thể chia sẻ những câu chuyện về sự chần chừ, e ngại của bản thân. Những câu chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho những nội dung tiếp theo của chiến dịch.
Thiết kế OOH độc đáo của DIBAO
Influencer & MV
Trong giai đoạn hai của chiến dịch, thương hiệu tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ hơn với sự kết hợp của Influencer Rapper Low G – Một trong những gương mặt khá tích cực, quen thuộc đối với Gen Z và cũng đã từng xuất hiện trong một vài chiến dịch trước đó của Dibao.
Low G cùng Dibao đã thực hiện một MV mang tựa đề “Vô Tư Đi”, với lời bài hát được lấy cảm hứng từ những câu chuyện mà các bạn trẻ đã chia sẻ trên Landing Page của chiến dịch trong giai đoạn trước đó như: “Muốn phong cách nhưng lại sợ dèm pha”, “Muốn lấy được thứ mình thích nhưng sợ bị đánh giá”,… Dibao đã không ngại “bóc trần” những nỗi sợ của người trẻ để truyền cảm hứng cho họ vượt qua nó.
Ngoài ra, MV được thực hiện theo khung hình dọc 9:16, một định dạng khá khác biệt so với thị trường chung (khung ngang 16:9), nhưng lại rất phù hợp khi người dùng sử dụng điện thoại. Với lượng người xem chủ yếu là người trẻ, sử dụng điện thoại nhiều, thì việc tối ưu video cho thiết bị này là một lựa chọn khá hợp lý của Dibao.
MV được đăng tải trên kênh Youtube chính của Dibao, đồng thời phát hành trên nhiều nền tảng âm nhạc trực tuyến khác của Low G. Nhiều khán giả dành lời khen cho bài hát và Dibao vì giai điệu lôi cuốn, cùng lời bài hát đánh trúng insight giới trẻ hiện nay. Mặt khác, trong MV này Dibao sử dụng khá nhiều hình ảnh của các mẫu xe điện xuyên suốt MV bên cạnh hình ảnh của Low G. Cho thấy tính chất quảng cáo rõ rệt hơn so với các hoạt động OOH trước đó.
Ngoài MV, Low G cũng tham gia nhiều hoạt động khác cùng Dibao với vai trò khá giống một đại sứ thương hiệu. Từ chụp ảnh quảng bá sản phẩm, cho tới checkin với các OOH của thương hiệu và đăng tải các bài viết trên trang cá nhân,…
TikTok Challenge
Cùng với MV, Dibao không quên thực hiện các mẫu capcut kèm đoạn nhạc được remix từ bài hát “Vô tư đi” tạo nên một Dance Challenge liên quan tới chiến dịch. Có khá nhiều TikToker đã thực hiện Dance challenge này trên cả hai nền tảng TikTok & Facebook. Theo Dibao, Dance Challenge đã thu hút hơn 30 triệu lượt xem cho chiến dịch này.
Chiến dịch cũng bao gồm một số hoạt động khác như Social Media, PR báo chí,… Đặc biệt, chiến dịch được diễn ra trong khoảng thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, thương hiệu đã lồng ghép thêm khá nhiều nội dung liên quan tới thi cử, học đường vào trong thông điệp “Vô tư đi”. Từ đó, vừa cổ vũ các bạn trẻ tự tin, thoải mái hoàn thành kỳ thi, vừa lan tỏa thông điệp hiệu quả hơn trong giai đoạn này.
>>> Bạn có thể quan tâm: Sự chuyển dịch trong chiến lược quảng cáo của Vespa: Từ phong cách cao cấp đến định vị trẻ trung, genZ
Kết quả
Theo Dibao, chiến dịch này đã giúp thương hiệu thu về:
- 30 triệu lượt xem, hơn 22 nghìn lượt sử dụng nhạc trên nền tảng TikTok.
- 26 nghìn lượt truy cập và 10 nghìn câu trả lời trên landing page.
- MV chính thức đạt 1,3M lượt xem sau hơn 1 tháng.
Nhìn chung, “Vô tư đi” là một chiến dịch khá thú vị trên thị trường xe điện Việt Nam nửa đầu 2024. Điểm sáng của chiến dịch là một thông điệp rất bắt tai, dễ nghe, dễ nhớ vào cũng rất dễ để lồng ghép thông điệp về sản phẩm của Dibao. Các hoạt động trong chiến dịch không quá mới lạ, nhưng được triển khai theo những cách thức khá mới mẻ, phù hợp với cá tính phá cách của Gen Z. Hiện tại chiến dịch vẫn đang khai thác tiếp các nội dung liên quan tới mùa tựu trường – thời điểm mà nhu cầu mua xe của phụ huynh và tân sinh viên tăng lên khá cao.